SCIENCE - TECHNOLOGY DEVELOPMENT AND INNOVATION CENTER TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Hội thảo: Cơ hội khởi nghiệp trong nền kinh tế số

 Thực hiện Quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2020, sáng ngày 16/6/2020 Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phối hợp với trường Đại học Hàng Hải Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội khởi nghiệp trong nền kinh tế số” nhằm  mang đến cho cộng đồng khởi nghiệp, sinh viên trên địa bàn những thông tin tổng quan về nền kinh tế số, đồng thời định hướng và truyền cảm hứng cho sinh viên khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.

Hiện nay nền kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi hàng hóa giữa người với người mà dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Đó chính là nền kinh tế số, là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Kinh tế số bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng hơn.

Trong 6 tháng vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nhưng hoạt động kinh doanh trên nền tảng số cũng nhờ Covid 19 mà tạo được cú huých lớn. Đặc biệt, một số nghiên cứu còn cho rằng, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến chưa biết đến hồi kết với đại dịch Covid-19.  Bởi trên thực tế, dù có nhiều biến động do đại dịch Covid-19 nhưng một số các nền tảng số như Amazon, eBay, Alibaba hay như Lazada, Shopee… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh.

Trong một nghiên cứu mới đây cho thấy hiện nay Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Theo các chuyên gia thì Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Bởi vậy tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế số là hướng đi mà Việt Nam có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ hơn nữa. Và hơn bao giờ hết, đây chính là cơ hội chín muồi để những bạn trẻ xuất hiện ý tưởng và hiện thực hóa bằng việc khởi nghiệp trong nền kinh tế số đầy tiềm năng này.

Thực hiện Quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2020, sáng ngày 16/6/2020 Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phối hợp với trường Đại học Hàng Hải Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội khởi nghiệp trong nền kinh tế số” nhằm  mang đến cho cộng đồng khởi nghiệp, sinh viên trên địa bàn những thông tin tổng quan về nền kinh tế số, đồng thời định hướng và truyền cảm hứng cho sinh viên khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.

Ông Dương Ngọc Tuấn - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có: ông Phạm Văn Hồng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; ông Takehiko Seki - Tổng Giám đốc công ty GA Consultants Việt Nam đến từ Nhật Bản; ông Hà Anh Tuấn - Chủ tịch và CEO Vinalink, người sáng lập Học viện đào tạo Digital Marketing Vinalink, Chủ tịch câu lạc bộ SEO Việt Nam, đồng sáng lập và Phó chủ tịch Cộng đồng tiếp thị và truyền thông Việt Nam, Chủ tịch iMentor; ông Nguyễn Hữu Tuân - Trưởng khoa công nghệ thông tin, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam; ông Hoàng Tuấn Anh - CEO, Founder Công ty TNHH công nghệ định danh RIGEL; đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp và gần 200 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Ông Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Ngọc Tuấn nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nền kinh tế số. Điều này đặt ra vấn đề cần nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế số và yêu cầu các doanh nghiệp luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng các công nghệ hiện đại để chuẩn bị tích cực cho công cuộc hội nhập, không đứng ngoài cuộc chơi trong việc nắm bắt cơ hội “đứng trên vai người khổng lồ” để tiến nhanh hơn. Theo đó, điều đầu tiên là phải có các ý tưởng và các kỹ thuật ở góc nhìn rộng ra chứ không chỉ bó hẹp ở các doanh nghiệp viễn thông, hay các phần cứng, phần mềm.

Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đã có những tham luận rất sâu sắc, cập nhật, mang đến cho các đại biểu bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế số hiện tại và tương lai cũng như những đòi hỏi đặc biệt về nguồn lực để không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.

Ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW  về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Là một trong những đơn vị tham mưu cho chính phủ ra nghị quyết này, Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những tham mưu về các chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Ông Phạm Văn Hồng - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách KHCN - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có bài phát biểu chia sẻ, cập nhật những quan điểm, chính sách của Chính phủ liên quan đến hoạt động khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là khởi nghiệp trong nền kinh tế số.

Các diễn giả khác như ông Nguyễn Hữu Tuân - trưởng khoa CNTT, Đại học Hàng Hải, ông Tuấn Hà - Chủ tịch, CEO của Vinalink, những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực CNTT và truyền thông số đã có những chia sẻ sâu sắc về xu hướng công nghệ trong tương lai, đồng thời chia sẻ về cơ hội, thách thức cũng như những sự chuẩn bị cần thiết của những startup tương lai trong nền kinh tế số.

Ông Tuấn Hà - Chủ tịch, CEO Vinalink chia sẻ về Xu hướng sản phẩm công nghệ trong nền kinh tế số

Hội thảo cũng được lắng nghe chia sẻ rất sâu sắc của Hoàng Tuấn Anh - CTO Công ty TNHH Định danh Rigel, một trong những sinh viên IT xuất sắc đạt giải trong kỳ thi Olymic tin học toàn quốc, từ chối lời mời du học tại Mỹ, Singapore để bước vào chặng đường khởi nghiệp đầy thử thách, đầy khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc, đầy tự hào khi được thỏa mãn khát khao cống hiến, sẻ chia và khát khao mang lại giá trị lớn lao cho xã hội, cho đất nước.

Tham dự hội thảo, ông Takehiko Seki - Tổng Giám đốc công ty GA Consultants Việt Nam đến từ Nhật Bản chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp trong nền kinh tế số và xu hướng sản phẩm khởi nghiệp tại Nhật Bản... Theo đó, ông cho rằng, để khởi nghiệp, chúng ta phải bắt đầu từ một việc làm thực tế và đơn giản nhất, đồng nghĩa với cuộc sống số đang diễn ra, và những ý tưởng phải xuất phát từ thực tiễn…Và ông mong muốn sẽ trở thành cầu nối giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Startup Việt Nam tiềm năng trong lĩnh vực IT để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như tại đất nước Nhật Bản.

Hội thảo Cơ hội khởi nghiệp trong nền kinh tế số” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã mang những kiến thức tổng quan, những định hướng và đặc biệt là truyền cảm hứng cho những bạn trẻ khát khao khởi nghiệp trong nền kinh tế số. Và để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là trào lưu mang tính hình thức thì các trường đại học cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực, giúp các bạn sinh viên luôn khát vọng sáng tạo, tự tin cho hành trình khởi nghiệp - hội nhập quốc tế, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

Startup Hải Phòng