SCIENCE - TECHNOLOGY DEVELOPMENT AND INNOVATION CENTER TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Hội thảo Giải pháp công nghệ sơ chế và bảo quản nông sản an toàn và hiệu quả

Hội thảo"Giải pháp công nghệ sơ chế và bảo quản nông sản an toàn và hiệu quả" do Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ tại Trung tâm Khuyến nông sáng 27/11/2020. Dự hội thảo có Phó Giám đốc Sở KH&CN Phạm Thị Sen Quỳnh cùng đại diện các phòng ban thuộc Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông, trạm Khuyến nông các huyện; đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh hàng hóa nông sản trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Phạm Thị Sen Quỳnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở KH&CN Phạm Thị Sen Quỳnh cho biết, ở Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10-20% và rau quả là 10-30%. Mặc dù sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện đã có mặt tại 170 quốc gia trên thế giới nhưng chủ yếu là xuất thô; công nghiệp chế biến vẫn còn nhiều hạn chế, giá trị gia tăng hàng nông sản qua chế biến chưa cao; chất lượng chưa ổn định; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ chưa tiên tiến; chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú… Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sơ chế và bảo quản cho nông sản là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp nông dân không chỉ giảm tỷ lệ hư hỏng của sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn có đóng góp quan trọng trong chuỗi vận chuyển, phân phối, cung cấp rau, quả phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ sơ chế, bảo quản và đóng gói cho hàng hóa nông sản như: Công nghệ diệt khuẩn, diệt nấm mốc (natacoat & Susaco); Ức chế ethylene bằng 1-MCP (Ansip); Xử lý hơi nước nóng VHT; Airocide - Khử khuẩn không khí trong nuôi trồng chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm; NaOClean - Khử khuẩn bề mặt trong nuôi trồng chế biến và bảo quản nông sản; Công nghệ cấp đông, sấy lạnh trong bảo quản nông sản; Công nghệ bảo quản bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP)… đặc biệt, túi GreenMap làm từ nguyên liệu tự hủy, có thể kéo dài thời gian bảo quản rau lên 14-15 ngày, trái cây lên 28-35 ngày. Các giải pháp được giới thiệu tại hội thảo đều đáp ứng các điều kiện khắt khe khi xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada và châu Âu.

Tại phần thảo luận, nhiều câu hỏi của đại biểu đã được các chuyên gia giải đáp cụ thể. Các đại biểu cũng đồng tình với việc cần nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu, qua đó giúp gia tăng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam cũng như tránh tình trạng “được mùa mất giá”, “giải cứu” nông sản như đã xảy ra trong thời gian qua./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Sản phẩm  tôm khô được bảo quản bằng công nghệ sấy lạnh

Túi GreenMap làm từ nguyên liệu tự hủy, có thể kéo dài thời gian bảo quản rau lên 14-15 ngày

Trung tâm phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo.